Giới thiệu

Chức năng, nhiệm vụ của khoa công nghệ thông tin và các bộ phận trực thuộc

1. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA KHOA
Khoa là đơn vị quản lý hành chính cơ sở của trường. Cơ cấu của khoa bao gồm: Ban chủ nhiệm khoa, Hội đồng khoa học khoa, các bộ môn, các phòng thí nghiệm. Khoa là đơn vị thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản lý trực tiếp đội ngũ cán bộ, giảng viên và HSSV của khoa. Khoa có các nhiệm vụ sau đây:
a. Xây dựng chương trình, kế hoạch giảng dạy, tổ chức thực hiện và quản lý quá trình đào tạo các ngành, chuyên ngành thuộc khoa và các hoạt động giáo dục khác trong chương trình, kế hoạch giảng dạy chung của nhà trường;
b. Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, chủ động khai thác các dự án hợp tác trong và ngoài nước; theo dõi chỉ đạo việc thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp Bộ, quản lý các đề tài cấp cơ sở và các đề tài nghiên cứu theo hợp đồng các dịch vụ khoa học; tổ chức công tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng sinh viên giỏi trong khoa; tham gia công tác phát triển quy mô tuyển sinh đào tạo.
c. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên thuộc khoa; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để không ngừng nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đào tạo;
d. Tổ chức biên soạn và thẩm định giáo trình, tài liệu tham khảo các môn học trong chương trình đào tạo;
e. Hướng dẫn sinh viên năm cuối làm thủ tục đăng ký thi và làm khóa luận, đồ án tốt nghiệp; tổ chức thi, kiểm tra, chấm khóa luận, đồ án tốt nghiệp và đánh giá kết quả học tập của HSSV, học viên do khoa đào tạo;
f. Quản lý và sử dụng có hiệu quả các tài sản, thiết bị, vật tư được trang bị, mua sắm hoặc tiếp nhận từ các nguồn khác nhau theo những quy định chung của Nhà nước và những hướng dẫn cụ thể của trường;
g. Thực hiện công tác quản lý HSSV, học viên (tiếp nhận, quản lý học tập, xét và cấp học bổng, khen thưởng, kỷ luật, ngừng học, thôi học, cho chuyển khoa, đánh giá quá trình rèn luyện tư cách đạo đức và chuyên môn của HSSV,…) đảm bảo an ninh chính trị và an ninh trật tự trong HSSV, học viên;
h. Tiến hành đánh giá định kỳ cán bộ viên chức trong khoa để phân loại trình độ, sắp xếp công việc, nhằm đáp ứng yêu cầu cao về đào tạo và nghiên cứu khoa học.
2. HỘI ĐÔNG KHOA HỌC VÀ ĐÀO TẠO
Hội đồng khoa học và đào tạo khoa là tổ chức tư vấn cho Trưởng khoa về các vấn đề chiến lược đào tạo và nghiên cứu khoa học, được thành lập theo quyết định của Hiệu trưởng theo đề nghị của Trưởng khoa; thành phần của Hội đồng khoa học và đào tạo khoa gồm:
1. Trưởng khoa, Phó trưởng khoa;
2. Các trưởng bộ môn;
3. Một số cán bộ khoa học trong và ngoài khoa có học vị tiến sĩ, chức danh từ giảng viên chính trở lên.
Hội đồng khoa học và đào tạo khoa có nhiệm vụ tư vấn sau:
– Xây dựng chiến lược phát triển, xác định các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về tất cả các lĩnh vực công tác trong khoa;
– Lập quy hoạch cán bộ cho mỗi giai đoạn phát triển của khoa và lập kế hoạch hàng năm về biên chế, chỉ tiêu cán bộ của khoa;
– Xem xét và xây dựng chương trình khung và chương trình chi tiết các loại hình đào tạo trong khoa;
– Thẩm định các giáo trình, các đề tài NCKH, luận văn tốt nghiệp, quy định các sinh hoạt học thuật trong khoa; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ viên chức trong khoa;
– Xét duyệt các đề xuất về trang thiết bị phục vụ giảng dạy, NCKH và đào tạo của khoa.
3. BỘ MÔN
Bộ môn là đơn vị cơ sở về đào tạo, nơi trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, trực tiếp quản lý cán bộ viên chức trong bộ môn. Bộ môn có các nhiệm vụ sau đây:
a. Chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng, tiến độ giảng dạy, học tập các môn học thuộc chương trình mà bộ môn quản lý trong kế hoạch giảng dạy chung của khoa, của trường;
b. Xây dựng và hoàn thiện nội dung, chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo liên quan đến ngành và chuyên ngành đào tạo và môn học được khoa và trường giao;
c. Nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, tổ chức dự giờ, đăng ký danh hiệu giảng viên dạy giỏi, tổ chức các hoạt động học thuật, hội thảo khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo;
d. Tiến hành nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và cung ứng các dịch vụ khoa học và công nghệ theo kế hoạch của trường và khoa giao; chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ, sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhằm gắn đào tạo, nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất và đời sống xã hội, bổ sung nguồn tài chính cho trường;
đ. Quản lý cơ sở vật chất, thiết bị của bộ môn;
e. Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên của bộ môn; định kỳ đánh giá CBGV của bộ môn thông qua các hoạt động học thuật, nghiên cứu khoa học và giảng dạy; mỗi tháng bộ môn họp một lần, họp đột xuất khi cần thiết.
4. VĂN PHÒNG KHOA
Văn phòng khoa là bộ phận giúp việc cho Ban chủ nhiệm khoa thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của khoa. Văn phòng khoa bao gồm các cán bộ văn phòng và các trợ lý thực hiện các nhiệm vụ cụ thể do Ban chủ nhiệm khoa phân công.

Chia sẻ: